Web Analytics Made Easy -
StatCounter
 

Làm gì để không bị lừa khi mua hàng qua mạng

Đăng bởi Administrator
Ngày, 16/10/2019

Khi mua hàng qua mạng, chúng ta chỉ nên tiến hành giao dịch trên các website lớn có đăng ký với Bộ Công Thương, tìm hiểu nhà cung cấp hàng hóa uy tín, có cơ chế hiển thị thông tin nhà cung cấp như địa chỉ, số phone…trên web.

Cần mua gì "mạng xã hội" cũng bán

Nếu như trước đây, các mặt hàng chào bán trên mạng xã hội chỉ dừng lại ở quần áo, mỹ phẩm, giày dép thì hiện tại đã có thêm thực phẩm, phụ tùng xe máy… và tất tần tật những gì có thể trao đổi, mua bán được. Chỉ cần vào google tìm kiếm từ khóa sản phẩm bạn muốn mua thì sẽ có hàng trăm, hàng ngàn sự lựa chọn cho khách hàng.

Không phủ nhận một điều rằng mua hàng online nhanh, gọn, không mất thời gian, không mất công di chuyển mà giá cả đôi khi còn rẻ hơn nhiều so với bên ngoài. Tuy nhiên, không phải cái nào cũng rẻ, cũng tốt mà nhiều khi đó là hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả... được đưa đến người tiêu dùng bằng chiêu thức trá hình.

Giao hàng kém chất lượng đã đành, một hình thức lừa gạt mới nữa chính là lấy lòng tin của khách ở lần mua hàng đầu để tạo uy tín, rồi những lần sau để khách phải ngậm đắng nuốt cay vì “hàng giả, tiền thật”.

Chẳng những thế, lợi dụng sự gấp gáp, khao khát hàng hóa của khách hàng, các shop online còn có chiêu thức yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước vì lý do tiền vốn cao, phí vận chuyển tăng rồi sau đó thì hàng không có mà tiền thì mất.

Làm gì để không bị lừa khi mua hàng qua mạng

Lựa chọn trang bán hàng uy tín: Điều đầu tiên bạn cần lưu ý là lựa chọn nhà cung cấp hoặc trang thương mại điện tử tốt, có uy tín để giao dịch. Bởi vì trước khi được phép đưa sản phẩm bên sàn giao dịch, nhà cung cấp đã phải làm việc với sàn giao dịch về những vấn đề chất lượng sản phẩm, chính sách giảm giá, phương thức vận chuyển…

Tìm hiểu kỹ thông tin: Người bán phải cung cấp đủ thông tin về giá cả, bảo hành, mô tả sản phẩm, địa chỉ trực tiếp, chính sách đổi trả, hoàn tiền… cho người mua có được sự lựa chọn đa dạng nhất. Để đảm bảo quyền lợi của chính mình, bạn hãy chắc chắn là đã nắm rõ tất cả những thông tin này trước khi thực hiện một giao dịch trực tuyến.

Tìm hiểu thêm về thông tin sản phẩm: Nếu bạn cảm thấy sản phẩm quá “thần kỳ” đến mức khó tin (như các dụng cụ thể dục tại nhà) hay giá khuyến mại quá rẻ, đừng ngần ngại làm một cuộc “điều tra” nho nhỏ với từ khóa là chính sản phẩm bạn đang có ý định mua. Bạn sẽ rất dễ dàng tìm thấy các thông tin về giá và chất lượng sản phẩm từ các nhà cung cấp sản phẩm khác tương tự.

Cẩn thận khi thanh toán: Về nguyên tắc, mua bán trực tuyến là phải thanh toán trực tuyến, thông qua tài khoản ảo trực tuyến hoặc thẻ tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, bên cạnh thanh toán trực tuyến còn có hình thức thanh toán khi nhận hàng. Nhiều nhà cung cấp cho phép bạn trả tiền khi đã kiểm tra hàng hóa có đúng như mình mong muốn hay không, tuy nhiên, số này không nhiều.

Giữ lại hóa đơn khi đã nhận hàng: Đây sẽ là bằng chứng, chứng cứ để bảo đảm quyền lợi cũng như để giải quyết trong các trường hợp bảo hành, đổi trả, hoàn tiền...

Ảnh trong bài: Người tiêu dùng dở khóc dở cười khi nhận sản phẩm không như hình ảnh quảng cáo. Nguồn ảnh: Internet.

Chị Nguyễn Thị Thu Dung, Hội Người tiêu dùng Việt Nam, cảnh báo: “Chỉ nên tiến hành giao dịch trên các website lớn có đăng ký với Bộ Công Thương, tìm hiểu nhà cung cấp hàng hóa uy tín, có cơ chế hiển thị thông tin nhà cung cấp như địa chỉ, số phone…trên web. Ngoài ra, cần đọc kỹ mô tả sản phẩm và so sánh giá. Một sản phẩm có thể được nhiều nhà cung cấp bán, chúng ta cần tìm sản phẩm đó trước trên google, hay vào các trang web khác nhau để tìm hiểu thông tin về sản phẩm, so sánh giá cả, chất lượng, đọc bình luận của người mua hàng trước... để có thể đánh giá trước khi quyết định chọn mua sản phẩm”.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2020, doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp – người tiêu dùng sẽ tăng 20%/năm, đạt 10 tỉ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Ước tính mỗi người Việt sẽ dành khoảng 350 USD chi cho mua sắm qua mạng, gấp hai lần so với năm 2015.

Hầu hết các khách hàng khi tiến hành giao dịch đều phải cung cấp thông tin họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email… những thông tin này sẽ bị các đối tượng xấu khai thác để lừa đảo hoặc sử dụng cho các cuộc tấn công, phát tán thông tin độc hại. Chính vì vậy, để tránh bị mất thông tin cá nhân, tránh bị lừa khi mua hàng qua mạng, cần phải tìm hiểu nguồn gốc và độ uy tín của nơi mua hàng.

Viết bình luận của bạn: